Sau Việt Nam, loạt quốc gia đẩy mạnh đàm phán thuế quan với Mỹ

Việc Mỹ – Việt Nam tuyên bố đạt thỏa thuận thuế quan thúc đẩy hàng loạt quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản hay Thái Lan nỗ lực đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng trước thời hạn 9/7.

Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ, trong khi Việt Nam là quốc gia mới nhất tới thời điểm hiện tại, đạt được kết quả cuối cùng sau các cuộc đàm phán.

Anh, Trung Quốc, Việt Nam đã chốt xong

Ngoài thỏa thuận đạt được với Việt Nam hôm 2/7, Mỹ cũng công bố đạt kết quả sau các cuộc đàm phán với Anh và Trung Quốc.

Anh là nước đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ vào ngày 8/5. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer cùng thông báo rằng, hai bên đã đạt được một thỏa thuận thương mại lịch sử.

Cụ thể, Mỹ duy trì mức thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Anh, được gọi là “thuế cơ bản”, công bố từ hôm 2/4. Tuy nhiên, thuế ôtô Anh nhập vào Mỹ giảm từ 27,5% xuống 10% cho 100.000 xe mỗi năm, các xe vượt hạn mức trên chịu thuế 25%. Thuế đối với thép và nhôm từ Anh được điều chỉnh từ 25% xuống mức ưu đãi hoặc miễn thuế.

Ở chiều ngược lại, Anh giảm thuế trung bình đối với hàng hóa Mỹ từ 5,1% xuống 1,8%, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Tiếp đó, ngày 26/6, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một “thỏa thuận khung” nhằm thực hiện các điều khoản từ vòng đàm phán thương mại bắt đầu tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng trước.

Mặc dù các chi tiết về thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc còn chưa rõ ràng, một số nguồn tin cho rằng, nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ nới lỏng các hạn chế đối với đất hiếm và sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.

Còn theo AFP, Trung Quốc đã xác nhận rằng Washington sẽ hủy bỏ một loạt biện pháp hạn chế áp đặt đối với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ xem xét và phê duyệt các mặt hàng thuộc diện kiểm soát xuất khẩu nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật…

Ấn Độ tiến sát thỏa thuận thuế mới

Reuters đưa tin, các nhà đàm phán Ấn Độ và Mỹ đã nỗ lực giải quyết bất đồng, hướng tới một thỏa thuận về thuế đối ứng trong các phiên đàm phán ngày 2/7.

Hồi đầu tháng 4, ông Trump đã đe dọa áp thuế 26% với hàng hóa Ấn Độ. Mức thuế này sau đó giảm xuống còn 10% trong thời gian 90 ngày và dự kiến hết hạn vào ngày 9/7 tới.

thue quan anh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay nhau khi tham dự cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng hồi giữa tháng 2 năm nay. Ảnh: Reuters.

Các nguồn tin của Reuters trong Bộ Thương mại Ấn Độ cũng cho biết, phái đoàn thương mại nước này vẫn có thể sẽ lưu lại Mỹ lâu hơn kế hoạch để hoàn tất các cuộc đàm phán.

Reuters cho rằng, quan điểm của Ấn Độ là việc hạ thuế đối với ngô, đậu nành, gạo và lúa mì biến đổi gene được trồng tại Mỹ là không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, Ấn Độ sẵn sàng hạ thuế đối với quả óc chó, quả nam việt quất và các loại trái cây khác, cùng với các thiết bị y tế, ôtô và các sản phẩm năng lượng từ Mỹ.

Một trong những nguồn tin khác của Reuters cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không muốn bị coi là từ bỏ quyền lợi của nông dân. Do đó, Ấn Độ không thỏa hiệp các vấn đề về nông nghiệp và sữa, vốn là hai sản phẩm xuất khẩu lớn của quốc gia này.

Truyền thông phương Tây tiết lộ rằng, đã có dấu hiệu cho thấy hai bên gần đạt được các thỏa thuận. Các nhà đàm phán cũng đã được yêu cầu chuẩn bị cho một thông báo tiềm năng.

Thái Lan kỳ vọng mức thuế 10%

Ngoài Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Pichai Chunhavajira, hôm 1/7 cũng đã lên đường sang Mỹ để tham gia các cuộc đàm phán thương mại diễn ra trong hai ngày đầu tuần này.

Theo Nation Thailand, một nguồn tin của Bộ Tài chính Thái Lan khẳng định, phía Mỹ đã gửi cho Bangkok đề xuất ban đầu, trong đó cắt phân nửa thuế đối ứng so với ban đầu, tức từ 36% xuống còn 18%. Tuy nhiên Thái Lan cũng sẽ phải tuân thủ một số điều kiện phi thuế quan mà Mỹ đưa ra.

Dù đã được đề xuất giảm thuế, Bangkok vẫn muốn đàm phán thêm với mục tiêu đưa mức thuế đối ứng về 10%. Hiện Bangkok vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng với phía Mỹ.

thue quan anh 2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan, ông Pichai Chunhavajira, kỳ vọng mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa nước này sẽ không cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, phát biểu trên một chương trình tin tức trong nước, ông Pichai Chunhavajira cho rằng, ông hy vọng mức thuế mà Mỹ áp đặt lên Thái Lan sẽ không cao hơn mức áp cho các quốc gia khác. Thái Lan hy vọng có thể kéo dài thời hạn đàm phán nếu cần để đảm bảo kết quả tốt hơn.

“Tôi hy vọng rằng dù có là bao nhiêu, thì mức thuế cũng sẽ không cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác”, Reuters dẫn lời ông Pichai.

Nhật Bản vướng ôtô và gạo

Với Nhật Bản, các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ vẫn đang “mắc kẹt” ở ôtô và gạo.

The NewYork Times đưa tin, trong suốt nhiều tháng đàm phán với phía Mỹ, quốc gia nhập khẩu nhiều nhất hàng hóa từ Nhật, các quan chức Tokyo đã đưa ra hàng loạt đề nghị mà họ tin rằng sẽ được Washington hoan nghênh.

Theo đó, Nhật cam kết mua thêm các sản phẩm năng lượng và thiết bị quốc phòng của Mỹ, đồng thời hỗ trợ Mỹ trong các lĩnh vực như đóng tàu.

Tuy nhiên, không lời đề nghị nào đủ để ông Trump từ bỏ các mức thuế “có đi có lại” áp lên hàng Nhật, khởi điểm ở mức 24%, cũng như không khiến ông dỡ bỏ mức thuế riêng 25% đánh vào ô tô Nhật, thứ đã giáng đòn mạnh vào các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản.

thue quan anh 3

Gạo thuộc kho dự trữ quốc gia của Nhật Bản được trưng bày tại cửa hàng thực phẩm Ito-Yokado, một công ty con của Seven & i Holdings, ở Tokyo, Nhật Bản hồi cuối tháng 5/2025. Ảnh: Reuters.

Những ngày gần đây, ông Trump càng nhấn mạnh đến hai vấn đề then chốt khiến ông bất bình với Nhật: Người Mỹ mua ôtô Nhật quá nhiều, trong khi người Nhật hầu như không mua xe hơi Mỹ và việc Nhật Bản nhập khẩu rất ít gạo Mỹ.

Gần đây nhất, hôm thứ Ba (1/7), ông Trump tuyên bố ông nghi ngờ khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với Nhật trước hạn chót vào tuần tới.

Hàn Quốc muốn gia hạn đàm phán

Một quan chức cấp cao trong lĩnh vực thương mại của Hàn Quốc hôm 1/7 cho biết, quốc gia này sẽ tìm cách gia hạn thời hạn hoãn áp thuế 90 ngày của Mỹ. Nguyên nhân là các cuộc đàm phán giữa Seoul và Washington nhiều khả năng sẽ kéo dài quá thời hạn này.

Tuần trước đó, Chính quyền mới của Hàn Quốc đã tổ chức vòng đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên với Mỹ, đồng thời đã tiến hành vòng đàm phán kỹ thuật cấp chuyên viên thứ ba kể từ khi hai nước đồng ý về việc xây dựng một gói thương mại nhằm giảm thuế quan của Mỹ hồi cuối tháng 4 vừa qua.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để được gia hạn đàm phán vào đúng ngày 8/7”, Reuters dẫn lời vị quan chức Hàn Quốc. Vị này cũng cho biết, phía Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc có gia hạn thêm hay không ngay trong ngày 8/7 tới.

Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.