Tầng lớp 10% thu nhập cao nhất nước Mỹ vẫn thấy mình không giàu

Thu nhập hơn 300.000 USD mỗi năm, nhiều gia đình Mỹ vẫn phải thuê nhà, vay tiền học phí và trì hoãn sửa nhà. Với họ, cuộc sống hiện tại chỉ là “trung lưu bình thường”.

Những chi phí ngày càng đắt đỏ khiến người thu nhập cao ở Mỹ chỉ đủ sống, không đủ để mua nhà. Ảnh minh họa: @miarandria/IG.

Lauren Fichter (47 tuổi) sống cùng chồng và 3 con tại Pennsylvania (Mỹ), sở hữu một ngôi nhà chính và một căn nghỉ dưỡng cho thuê. Dù thu nhập gia đình khá cao, họ vẫn phải vay nợ và tìm học bổng để lo học phí đại học cho con trai, khoảng 75.000 USD mỗi năm.

Fichter từng ở nhà 15 năm để chăm con, nay quay lại làm bán hàng để tăng thu nhập nhưng vẫn không tiết kiệm được nhiều. Chi phí sinh hoạt tăng nhanh, tiền điện hiện 500 USD/tháng, sửa nhà bị hoãn vì báo giá quá cao.

“Ngày xưa tôi không dám nghĩ mình sẽ kiếm được nhiều tiền đến vậy. Nhưng giờ thì cảm giác vẫn chỉ như một gia đình trung lưu bình thường”, Fichter nói với The Wall Street Journal.

Theo chuyên gia Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát người tiêu dùng thuộc Đại học Michigan (Mỹ), người thu nhập cao vẫn tiếp cận được nhiều tiêu chuẩn sống tốt hơn, nhưng với chi phí nhà ở và giáo dục ngày càng đắt đỏ, cảm giác an toàn tài chính đang dần xa vời.

Nhiều tiền nhưng không cảm thấy giàu

Dù thu nhập cao, nhiều người Mỹ vẫn không cảm thấy tài chính vững vàng. Theo nghiên cứu của Giáo sư Xavier Jaravel, Đại học Kinh tế London (Anh), thu nhập của nhóm 5% giàu nhất đã tăng gấp đôi từ 1983 đến 2019, và họ ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát nhờ chi tiêu nhiều vào các mặt hàng tăng giá chậm như xe hơi, vé máy bay.

Tài sản ròng của nhóm 20% thu nhập cao nhất cũng tăng hơn 35.000 tỷ USD kể từ sau đại dịch. Tuy nhiên, phần lớn nằm trong nhà đất và quỹ hưu trí, khó dùng ngay khi cần.

trung luu binh thuong,  nguoi my,  gia dinh my,  mua nha my,  nguoi My nhieu tien,  nguoi giau anh 1

VVợ chồng Shafonne và Jimmy Myers tự nhận mình chỉ là tầng lớp trung lưu. Ảnh: Jessica Ruiz/WSJ.

Chỉ 26% người thu nhập trên 130.000 USD/năm cảm thấy khá hơn so với năm trước, mức thấp nhất kể từ khủng hoảng 2009. Nhiều người kiếm từ 200.000 đến 300.000 USD/năm cũng cho biết họ không hài lòng với tài chính hiện tại.

“Ngay cả những người có vẻ đang làm rất tốt cũng không hài lòng như ta nghĩ”, Matt Killingsworth, chuyên gia nghiên cứu hạnh phúc thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), chia sẻ.

Nhiều người thu nhập cao vẫn không cảm thấy khá giả vì sống giữa những người giàu hơn. Ở nơi chi phí đắt đỏ như California hay New York (Mỹ), lương 250.000 USD vẫn khó mua được nhà, nhất là khi giá nhà bị đẩy lên bởi những người có tiền thừa kế hoặc cổ phiếu.

Thu nhập cao vẫn đi thuê nhà

Vợ chồng Shafonne (45 tuổi) và Jimmy Myers (43 tuổi) kiếm khoảng 350.000 USD/năm nhưng vẫn thuê nhà ở Temecula (California) từ năm 2019, với giá 3.600 USD/tháng.Giá nhà tại đây đã tăng 57% trong 5 năm qua, vượt mức trung bình cả nước. Nếu mua nhà, cặp đôi sẽ cần đặt cọc 200.000 USD và phải trả lãi vay gần 7%, vượt quá khả năng chi trả hàng tháng.

“Chúng tôi ăn uống lành mạnh, sống ổn, nhưng việc sở hữu nhà vẫn ngoài tầm với”, Shafonne nói.

“Ở California, phải kiếm 1–2 triệu USD mỗi năm mới được xem là giàu”, Jimmy nói. Khu họ sống có trường tốt nhưng đa phần hàng xóm có con nhỏ cũng đi thuê nhà. Số liệu cho thấy ngày càng ít người thu nhập cao sở hữu nhà vì khó nâng cấp khi lãi suất tăng.

trung luu binh thuong,  nguoi my,  gia dinh my,  mua nha my,  nguoi My nhieu tien,  nguoi giau anh 2

Ngôi nhà vợ chồng Shafonne và Jimmy Myers thuê từ năm 2019. Ảnh: Jessica Ruiz/WSJ.

Ngoài nhà ở, chi phí học đại học cũng là gánh nặng. Nhiều gia đình kiếm khá nhưng không đủ tiêu chuẩn để nhận hỗ trợ học phí, trong khi số người thu nhập cao còn nợ học phí đang tăng. Cuộc sống tầng lớp trung thượng lưu ngày nay đòi hỏi nhiều khoản chi hơn xưa, như lớp âm nhạc, thể thao, dịch vụ giữ trẻ chất lượng cao…

Matt Dougherty (32 tuổi) từng sống ở Washington D.C. (Mỹ) nhưng chuyển về Wilmington (Delaware, Mỹ) để dễ mua nhà hơn.

Tháng 2/2021, họ dồn toàn bộ tiền tiết kiệm để mua một căn nhà rộng gần 160 m2 với lãi suất vay thế chấp 3%.

“Tôi cảm giác mình lên được chuyến tàu cuối cùng. Giờ thì tôi không thể mua lại căn nhà đó nữa vì lãi suất và giá nhà đều tăng quá nhanh”, Dougherty nói.

Nhưng cuộc sống ở Wilmington cũng không rẻ như kỳ vọng. Với thu nhập ròng khoảng 11.800 USD/tháng, sau khi trừ chi phí vay thế chấp, thực phẩm, gửi trẻ cho 2 con nhỏ và các chi phí thiết yếu khác, họ tiêu tốn gần 9.000 USD/tháng.

Khi 2 con gái lần lượt chào đời, đi kèm là hóa đơn y tế hàng nghìn USD, họ buộc phải bán bitcoin và cổ phiếu để chi trả.

“Thế hệ cha mẹ tôi sẽ nghĩ rằng thu nhập như vậy là giàu có. Nhưng tôi chỉ vừa đủ để mang lại cho các con tuổi thơ như tôi từng có, một cuộc sống trung lưu, vùng ngoại ô, đầy đủ và an toàn”, Dougherty nói.

“Hermès Birkin” của ngành xuất bản

Nhà xuất bản cao cấp Assouline nổi tiếng với những cuốn sách sang trọng có giá từ 1.000 USD, được ví như “Hermès Birkin” của ngành sách. Thành lập 3 thập kỷ trước, Assouline đã xuất bản khoảng 2.000 đầu sách, bao gồm bộ sưu tập “The Ultimate Collection” với các ấn bản giới hạn, được đóng bằng da hoặc nhung, có giá hàng chục nghìn USD.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.